Xây dựng bản đồ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam

Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam Vinasa tạo bản đồ doanh nghiệp công nghệ số, giúp các đơn vị định vị được năng lực.

Trong sự kiện ra mắt chiều 27/2 tại Hà Nội, ông An Ngọc Thao, Phó tổng thư ký Vinasa, cho biết Nghị quyết 57 sẽ mang đến cơ hội mới, với một số ưu đãi thuế và tín dụng cho doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới sáng tạo; cơ chế miễn trừ trách nhiệm trong thử nghiệm công nghệ mới; hay tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường quốc tế thông qua các chương trình xúc tiến thương mại chuyên sâu.

“Để tạo một nền tảng giúp các doanh nghiệp công nghệ số định vị được năng lực của mình, mở rộng cơ hội hợp tác, thu hút đầu tư và tiếp cận các thị trường mới, năm nay hiệp hội sẽ xây dựng Bản đồ doanh nghiệp Công nghệ số, bên cạnh việc chấm điểm chọn ra top 10 doanh nghiệp”, ông Thao cho biết.

Ông An Ngọc Thao chia sẻ tại sự kiện, chiều 27/2. Ảnh: Thúy Hà

Tech Map này bao gồm hoạt động định vị doanh nghiệp trong hệ sinh thái công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh; kết nối với mạng lưới đầu tư, quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo; tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường quốc tế.

Doanh nghiệp sẽ được đánh giá theo hai trục gồm Tầm nhìn và Khả năng thực thi. Trong đó Tầm nhìn thể hiện định hướng phát triển và khả năng đổi mới trong tương lai, và Khả năng thực thi là đánh giá mức độ triển khai và áp dụng sản phẩm, dịch vụ vào thực tế.

Dựa trên các thông số này, họ được chia thành bốn nhóm gồm Đầu tàu, Thực lực, Chuyên biệt và Khai phá.

Cách Vinasa phân loại các doanh nghiệp công nghệ số dựa trên khả năng thực thi và tầm nhìn. Ảnh chụp màn hình

Theo đại diện Vinasa, với sự đẩy mạnh đầu tư vào các công nghệ mới như AI, dữ liệu lớn, blockchain, cùng với sự ra đời của Nghị quyết 57 tháng 12 năm ngoái, ngành công nghiệp ICT Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng mạnh, hướng tới mục tiêu đạt 4.320.000 tỷ đồng doanh thu vào năm 2025, đóng góp hơn 12% GDP.

“Chúng tôi kỳ vọng hệ thống đánh giá này giúp doanh nghiệp xác định vị thế trong từng lĩnh vực chuyên biệt cũng như trên bản đồ công nghệ số Việt Nam, từ đó xây dựng và thực hiện các kế hoạch chiến lược để củng cố tiềm lực, gia tăng năng lực cạnh tranh, hướng tới phát triển bền vững”, ông An Ngọc Thao cho biết.

Ngoài ra, với cách làm này, cơ quan quản lý cũng sẽ có thêm dữ liệu khoa học để hoạch định chính sách hỗ trợ.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2024, doanh thu toàn ngành thông tin và truyền thông ước đạt 4.243.984 tỷ đồng (166,7 tỷ USD), tăng 13,2% so với năm 2023. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số (ICT) đóng góp 3.878.296 tỷ đồng (151,86 tỷ USD), chiếm hơn 91% doanh thu toàn ngành và 11% GDP.

Nguồn: vnexpress.net

Thiết bị 5G Việt Nam lần đầu dùng cho mạng nước ngoài

Hệ thống 5G Open RAN và 5G Private Network do công ty Việt Nam phát triển sẽ được đưa lên mạng lưới của Emirates Integrated Telecommunications.

Tại triển lãm di động lớn nhất thế giới MWC 2025 diễn ra tuần này ở Tây Ban Nha, Viettel cho biết đã ký thỏa thuận để đưa thiết bị viễn thông lên mạng lưới của Emirates Integrated Telecommunications (DU), một trong những nhà mạng hàng đầu tại UAE và khu vực Trung Đông. Hai hạng mục được triển khai giai đoạn đầu là mạng 5G Open RAN công cộng và mạng riêng 5G riêng.

Viettel cho biết việc DU sử dụng hệ thống 5G Open RAN đánh dấu lần đầu tiên thiết bị viễn thông trong nước sản xuất được đưa vào mạng lưới của một nhà mạng nước ngoài. Số lượng trạm và thời gian triển khai chưa được hé lộ. Trước đây, hãng từng xuất khẩu một số hệ thống 5G Private dùng trong mạng riêng của một số doanh nghiệp tại Ấn Độ.

Khách nước ngoài tham quan sản phẩm 5G của Viettel tại MWC 2025. Ảnh: Nam Nguyễn

RAN là phần truyền dẫn vô tuyến kết nối thiết bị đầu cuối của người dùng với mạng, trước khi được xử lý qua phần mạng lõi. Trước đây, đa số nhà mạng sử dụng hệ thống RAN truyền thống, thường do một đơn vị duy nhất cung cấp vì tính “đóng” và không tương thích với thiết bị của hãng khác. Chuẩn mở Open RAN giúp các nhà mạng có thể linh hoạt kết hợp sản phẩm của nhiều nhà cung cấp khác nhau, giúp tối ưu hóa chi phí cũng như hiệu quả khai thác. Tháng 11 năm ngoái, Viettel cho biết đã xây dựng thành công các trạm 5G Open RAN, dự kiến lắp cho 300 trạm trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài vào đầu 2025.

Chia sẻ với VnExpress chiều 7/3, đại diện Viettel High Tech (VHT) nói việc được nhà mạng nước ngoài sử dụng mang ý nghĩa “bảo chứng” cho chất lượng của sản phẩm Việt.

“Các nhà khai thác viễn thông trước khi mua thường đặt câu hỏi thiết bị đã được triển khai ở những nhà mạng nào, quốc gia nào?”, ông Nguyễn Tiến Long, Phó giám đốc Trung tâm Kinh doanh VHT, cho hay.

Theo ông Long, Viettel chưa phải tên tuổi lớn trong lĩnh vực cung cấp thiết bị viễn thông trên toàn cầu, dù các thiết bị do họ sản xuất đã được triển khai ở nhiều thị trường. Tuy nhiên, với việc hợp tác với DU, một nhà mạng lớn và có các yêu cầu kỹ thuật cao, suy nghĩ trên có thể thay đổi.

Đại diện VHT cũng cho biết họ có thể cung cấp thiết bị trên tất cả các lớp mạng viễn thông, từ mạng lõi đến vô tuyến, tức giải pháp toàn trình. “Sở hữu công nghệ toàn trình và tự R&D nên sẽ có năng lực tùy biến cao. Đây là tính năng quan trọng ở mạng 5G và 5G Private, giúp chúng tôi đáp ứng nhanh nhu cầu khách hàng, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường”, ông Long nói.

Một trạm 5G của VHT được trưng bày tại sự kiện giới thiệu, tháng 11/2024. Ảnh: Lưu Quý

Theo Tổng giám đốc DU Fahad Al Hassawi, tích hợp 5G Private và OpenRAN từ Viettel sẽ giúp công ty xây dựng hệ sinh thái viễn thông thế hệ mới, mang lại giá trị cho doanh nghiệp, chính phủ và cộng đồng. Nhà mạng từ UAE đang ưu tiên đầu tư vào hạ tầng viễn thông để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời đạt mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ viễn thông trên thế giới.

Hỗ trợ triển khai thiết bị Viettel lên mạng lưới của DU là HCT Group. Ông Salah Ali, CEO HCT Group, cho biết: “Mục tiêu năm 2025 của chúng tôi là triển khai 5G Private quy mô lớn, hỗ trợ các nhà mạng khu vực hiện đại hóa hạ tầng cốt lõi và mạng RAN, giúp họ chuyển đổi thành công từ 4G sang 5G”. Thiết bị của Viettel đã được đơn vị này thử nghiệm tại một số thị trường như UAE, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Oman và Yemen.

“Nếu thử nghiệm đạt kết quả như mong đợi, thiết bị mạng của Việt Nam có thể tiếp tục được cung cấp đến những nhà mạng khác”, đại diện VHT nói.

Nguồn: vnexpress.net

Kết nối phủ sóng mạng công nghệ viễn thông 5G

Xây dựng kết nối phủ sóng 5G được xem là một trong những giải pháp kết nối trực tuyến tối ưu và hiệu quả cho những người đang ở nơi xa.

Tối ưu kết nối trực tuyến từ xa

Trong thời đại công nghệ phát triển, kết nối Internet từ xa bằng công nghệ mạng 5G giúp những người xa quê có thể trao gửi và gắn kết yêu thương thông qua các cuộc trò chuyện trực tuyến, làm ấm lòng những người sinh sống và làm việc nơi xa.

Mạng 5G cải tiến vượt trội so với 4G, giúp nâng cao trải nghiệm truy cập Internet nhờ tốc độ nhanh hơn, độ trễ thấp và khả năng kết nối hàng triệu thiết bị cùng lúc. Theo thông số do VinaPhone cung cấp, tốc độ truyền tải của mạng 5G nhanh gấp 10 lần nếu đặt cạnh tốc độ của 4G hiện tại, với mức tối đa có thể cán mốc 2,2 Gbps, độ trễ gần như không có.

Ngoài ra, dữ liệu báo cáo của Công ty tư vấn Analysys Mason cũng cho thấy, số tiền chi cho phổ tần mạng 5G ít hơn 10% so với số tiền chi cho phổ tần 4G và ít hơn 70% so với phổ tần 3G. Về lâu dài, tổng chi phí đầu tư cho 5G cũng được xem là tối ưu hơn.

Tăng cường hòa mạng 5G không chỉ đơn thuần là việc kết nối các thiết bị, mà còn là việc kết nối con người với nhau, xóa nhòa khoảng cách địa lý và mang đến cảm giác gần gũi hơn cho những người xa nhà. Theo anh Lê Anh Quân, một nghiên cứu sinh đang học tập tại Mỹ cho biết, từ khi thiết lập sóng 5G, anh và gia đình đã có những cuộc trò chuyện liên tục, không bị gián đoạn như trước đây. Với đường truyền mạng ổn định và tốc độ cao, các cuộc gọi video trở nên sống động hơn. Cả nhà có thể thoải mái trò chuyện, chia sẻ những khoảnh khắc vui vẻ mà không lo bị giật hình hay âm thanh rè.

Nhìn chung, với tốc độ siêu nhanh và độ trễ thấp, mạng 5G đã cách mạng hóa việc kết nối của những người xa xứ, cho phép họ dễ dàng giữ liên lạc với gia đình và bạn bè thông qua các cuộc gọi video chất lượng cao và chia sẻ dữ liệu nhanh chóng.

Bên cạnh đó, mạng 5G ra đời sẽ giải quyết các vấn đề về lỗi kết nối khi phát trực tiếp nội dung thông qua kết nối công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) trên thiết bị di động, giúp người xem chủ động thưởng thức AR, VR ở bất cứ nơi đâu và bất cứ thời điểm nào, chứ không phục thuộc vào tốc độ mạng Wi-Fi hay 3G như trước.

Ông Đào Xuân Vũ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) nhận định, mạng 5G đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của nhiều lĩnh vực, ngành nghề, giúp nước ta bắt kịp dòng chảy công nghệ viễn thông với những nước đi đầu về 5G trên thế giới, như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Tăng cường hoà mạng 5G tại Việt Nam

Từ năm 2020, một số nhà mạng di động lớn tại Việt Nam như Viettel, VinaPhone và MobiFone đã được cấp giấy phép sử dụng 5G và phát sóng thử nghiệm tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, đến năm 2024, cuộc đua triển khai thương mại hóa 5G mới thực sự bắt đầu.

Không chỉ ở các tỉnh, thành phố trung tâm, mà xa hơn, chính sách nâng cấp hòa mạng 5G thời gian tới sẽ đẩy mạnh triển khai mạng lưới hạ tầng 5G tại các địa phương vùng sâu, vùng xa. Theo nội dung chiến lược đề ra trong Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, nước ta đặt mục tiêu phủ sóng mạng 5G trên toàn quốc vào năm 2030. Cụ thể là, phát triển hạ tầng cáp quang rộng khắp để cung cấp Internet băng thông rộng đến 100% các xã trên toàn quốc, đến từng hộ gia đình, góp phần giảm khoảng cách số giữa các vùng miền, địa phương.

Mục tiêu phủ sóng mạng lưới 5G cần sự nỗ lực lớn từ các nhà mạng viễn thông và chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Việc triển khai mạng 5G liên quan đến việc cải thiện hạ tầng hiện có và vận hành hạ tầng mới, với nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn và mất thời gian thực hiện. Quá trình này đòi hỏi các công ty viễn thông phải đầu tư đáng kể để lắp đặt thiết bị mới và nâng cấp hạ tầng hiện hữu để hỗ trợ ứng dụng công nghệ 5G đi vào thực tiễn. Đồng thời, cần xem xét việc tăng cường hợp tác quốc tế để mở rộng vùng phủ sóng 5G, xây dựng các liên kết với các nhà mạng nước ngoài nhằm tạo ra một mạng lưới kết nối xuyên biên giới, phục vụ tốt hơn cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Nguồn: baodautu.vn

MobiFone sẽ phát triển thế nào khi về Bộ Công an

MobiFone định hướng thành tập đoàn công nghệ hàng đầu trong nhiều lĩnh vực và được đánh giá “chỉ có thể tốt hơn” khi về Bộ Công an.

Sáng 28/2, Tổng công ty Viễn thông MobiFone đã được chuyển giao nguyên trạng về Bộ Công an từ Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Việc lựa chọn MobiFone về Bộ Công an được đánh giá tạo điều kiện để họ phát huy nhiều thế mạnh, đặc biệt trong đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, phát triển hạ tầng trong kỷ nguyên số hoá

Hiện trạng của MobiFone trước khi về Bộ Công An

Tiền thân của MobiFone là Công ty thông tin di động (VMS) được thành lập từ năm 1993. Đây cũng là nhà mạng viễn thông di động đầu tiên của Việt Nam. Tháng 12/2014, doanh nghiệp này được chuyển đổi thành Tổng công ty Viễn thông MobiFone.

Trong hơn 30 năm hoạt động kinh doanh, nhà mạng đã trải qua nhiều thăng trầm. Ban đầu, họ có nền tảng, công nghệ tốt nhờ hợp tác kinh doanh (BCC) với Tập đoàn Kinnevik/Comvik (Thụy Điển) trong 10 năm (giai đoạn 1995-2005). Đầu năm 2008, họ giữ vị trí dẫn đầu về thị phần thuê bao di động tại Việt Nam. Một năm sau đó, họ đạt cột mốc 30 triệu thuê bao.

Trong một thập kỷ gần đây, thị phần của nhà mạng dần suy giảm. Đến năm 2023, theo Sách Trắng Công nghệ thông tin và Truyền thông, MobiFone nắm khoảng 17,9% thị phần viễn thông di động mặt đất, đứng thứ ba trên thị trường, sau Viettel (56,3%), VNPT (gần 21%).

Đỉnh lợi nhuận mà đơn vị này đạt được cũng cách đây 10 năm với gần 7.500 tỷ đồng. Một năm sau đó, tổng công ty vẫn duy trì được mức lãi trên 7.100 tỷ đồng. Thế nhưng, từ năm đó đến nay, doanh thu của nhà mạng này đi xuống khi thị trường viễn thông bão hòa.

Năm 2017, công ty ghi nhận doanh thu hơn 44.200 tỷ, lãi trước thuế khoảng 5.600 tỷ đồng. Năm 2020, Covid-19 bùng phát, khiến hoạt động kinh doanh của nhiều đơn vị, trong đó có MobiFone, bị ảnh hưởng. Thời điểm đó, doanh thu của hãng khoảng 32.146 tỷ đồng, lợi nhuận giảm hơn 16% xuống còn 4.733 tỷ. Năm 2023, mức lãi của nhà mạng này về dưới 2.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến 2024, hoạt động sản xuất kinh doanh của họ đã phục hồi. Tổng công ty ước lãi hơn 2.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch trên 20% và nộp ngân sách vượt gần 57% kế hoạch. Hãng cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao tại một số lĩnh vực số như Meet (1.050%), Cloud (312%), mobiAgri (49%), invoice (58%).

Đơn vị này hiện có hơn 20 đơn vị thành viên với khoảng 4.000 lao động. Đến hết 2023, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 31.630 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu khoảng 23.144 tỷ.

Định hướng phát triển của MobiFone sau khi về Bộ Công an

Tại lễ tiếp nhận sáng 28/2, Thứ trưởng Công an Nguyễn Ngọc Lâm khẳng định hoạt động của doanh nghiệp này sẽ ngày càng lớn mạnh, bởi theo ông, “về Bộ Công an chỉ có thể tốt hơn”.

Đầu tiên, MobiFone sẽ được hỗ trợ tối ưu hoá nguồn lực, để tái thiết theo hướng tinh gọn, mạnh và hiện đại nhờ kinh nghiệm quản lý các hệ thống an toàn thông tin, an ninh mạng của Bộ Công an. Cùng với đó, nhà mạng này còn có thể hưởng thêm các lợi thế, điều kiện sẵn có của ngành công an về cơ sở hạ tầng, đường truyền dẫn, băng tần, kho số và khách hàng là cán bộ, chiến sỹ. MobiFone cũng có cơ hội tham gia, hỗ trợ các dự án đang và chuẩn bị triển khai của Bộ Công an.

Ngay trong năm nay, MobiFone sẽ chuyển đổi để phát triển thành doanh nghiệp số, lập các hệ sinh thái và tạo ra nhiều nguồn doanh thu mới. Đồng thời, nhà mạng cũng sẽ mở rộng hạ tầng viễn thông, bổ sung dải băng tần phát sóng với mục tiêu phủ sóng 5G tại 100% xã trên cả nước. Để hiện thực hóa tham vọng này, họ lên kế hoạch triển khai thêm 10.000 điểm phát sóng mới.

Từ những điều kiện thuận lợi và kế hoạch này, MobiFone được kỳ vọng phát huy tiềm năng, trở thành tập đoàn công nghệ số hàng đầu tại Việt Nam trong các lĩnh vực như Chính phủ số, thành phố thông minh, y tế số, tài chính số.

Thực tế trong thời gian qua, việc mở rộng kinh doanh sang các không gian mới bên cạnh lĩnh vực viễn thông truyền thống cũng từng giúp các doanh nghiệp cùng ngành như VPNT, Viettel tăng trưởng tích cực. Năm ngoái, VNPT đạt doanh thu hơn 58.000 tỷ đồng, lãi hợp nhất trước thuế trên 6.000 tỷ. Trong khi Viettel là một trong số ít những doanh nghiệp Việt Nam duy trì đều đặn mức lãi hàng tỷ USD, như năm 2024 là gần 2 tỷ USD.

Trước đó – năm 2020, MobiFone cùng với hai tập đoàn trên từng được Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất tham gia thí điểm chính sách riêng để trở thành “sếu đầu đàn” phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt doanh nghiệp Nhà nước trong hình thành và mở rộng chuỗi sản xuất, cung ứng, chuỗi giá trị trong nước cũng như quốc tế.

Khi đó, nhà mạng này được lựa chọn bởi có tình hình tài chính và kết quả kinh doanh tốt trong 3 doanh nghiệp viễn thông. Thực tế, đến nay, so với các doanh nghiệp khác trên thị trường, MobiFone cũng ít chịu áp lực về tài chính do tỷ lệ vay nợ thấp.

Nguồn: vnexpress.net

Nhà mạng Mỹ không đủ tiền thay thế thiết bị Huawei, ZTE

Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FCC) cho biết hơn 40% nhà mạng tại vùng nông thôn cần thêm tiền để loại bỏ thiết bị Huawei, ZTE.

Gian hàng Huawei tại triển lãm MWC ở Tây Ban Nha tháng 2/2023.

Năm 2020, FCC bỏ phiếu đồng thuận buộc các nhà mạng tại vùng nông thôn Mỹ loại bỏ thiết bị mạng do một số công ty sản xuất, trong đó có Huawei và ZTE với lý do an ninh. Nhiều nhà mạng cung cấp dịch vụ tại vùng nông thôn Mỹ sử dụng thiết bị của hai công ty này vì giá ưu đãi cùng các điều khoản tài chính có lợi.

Chương trình thay thế thiết bị mạng do FCC đề ra được ước tính cần hơn 1,8 tỷ USD và Quốc hội Mỹ đã cấp khoản tiền này cho các nhà mạng cần hỗ trợ. Tuy nhiên, chi phí tăng cao khiến ngân sách ước tính ban đầu không đủ hoàn thành chương trình. Đầu năm nay, một dự luật mới được trình lên quốc hội nhằm bổ sung 3 tỷ USD vào quỹ nhưng không được thông qua.

Trong báo cáo mới, FCC cho biết có 126 nhà mạng tham gia vào chiến dịch “loại bỏ và thay thế”. Hơn 40% trong đó không đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ nếu không có thêm nguồn tiền. Trong khi đó vào tháng 1, chỉ 19% nhà cung cấp dịch vụ ở nông thôn nói cần thêm tiền để hoàn thành.

“Bất chấp sự thiếu hụt nguồn tài trợ, các nhà mạng vẫn phải tuân theo yêu cầu là phải loại bỏ tất cả thiết bị và dịch vụ truyền thông được chỉ định trong mạng của họ”, FCC cho hay.

Theo thống kê được công bố, 32% nhà mạng ở nông thôn đã gặp khó khăn khi thuê nhân công thực hiện chương trình, tăng so với mức 16% sáu tháng trước. Sự chậm trễ liên quan đến thời tiết ảnh hưởng đến 15% nhà cung cấp, trong khi hồi tháng 1 là 10%.

Hiện mới có 14 trong số 126 công ty nộp giấy chứng nhận đã “loại bỏ, thay thế và xử lý vĩnh viễn tất cả thiết bị và dịch vụ truyền thông được chỉ định có trong mạng lưới của họ”. Với 112 công ty còn lại, Quốc hội có thể phải tìm ra cách hỗ trợ thêm tiền.

Nguồn: vnexpress.net

Nguy cơ thiếu điện thoại cơ bản có 4G

Điện thoại cơ bản hỗ trợ 4G có thể không đủ cung cấp cho người dùng trong bối cảnh thời điểm tắt sóng 2G đang cận kề.

Từ ngày 15.9.2024, các nhà mạng tại Việt Nam sẽ tiến hành cắt sóng 2G, do vậy những mẫu điện thoại cơ bản chỉ hỗ trợ công nghệ này sẽ trở thành “cục gạch”, không thể kết nối sóng di động, thực hiện thông tin liên lạc. Theo thống kê, hiện có từ 11 triệu tới 15 triệu thuê bao di động 2G trên cả nước và khi số lượng này chuyển sang sử dụng thiết bị có 4G, thị trường có thể không đủ cung cấp máy trong thời gian ngắn.

Điện thoại cơ bản, tích hợp phím bấm cứng truyền thống và hỗ trợ 4G có thể thiếu hàng trong ngắn hạn
Điện thoại cơ bản, tích hợp phím bấm cứng truyền thống và hỗ trợ 4G có thể thiếu hàng trong ngắn hạn

Trong khi thị trường có sẵn nhiều lựa chọn smartphone 4G với giá rẻ, một bộ phận không nhỏ người dùng, đặc biệt là nhóm khách hàng lớn tuổi, vẫn trung thành với điện thoại cơ bản truyền thống. Các model này dù không sở hữu những tính năng hiện đại, hấp dẫn, chỉ phục vụ nhu cầu nghe gọi nhưng có ưu điểm là phím bấm lớn, thời lượng pin bền nên vẫn được ưa chuộng.

Theo thống kê của hệ thống Hoàng Hà Mobile, khi đổi máy từ 2G lên thiết bị có sử dụng 4G, có tới 70% người dùng vẫn lựa chọn điện thoại cơ bản, chủ yếu trong tầm giá 400.000 đồng với 600.000 đồng. “Chỉ có khoảng 20% chọn đổi sang smartphone có 4G nhưng tầm giá dưới 2 triệu đồng, còn 10% sẽ nâng cấp lên điện thoại thông minh ở tầm giá 2 triệu tới 5 triệu đồng. Các thương hiệu điện thoại cơ bản, có phím bấm phổ biến hiện nay gồm Nokia, Mobell, Masstel, Itel”, bà Hoàng Minh Tâm – đại diện truyền thông của đơn vị chia sẻ.

Từng có thời gian dễ mua tại bất kỳ đâu nhưng nay thị trường có dấu hiệu khan hàng điện thoại cơ bản 4G. Với dự báo trên 10 triệu người dùng có nhu cầu đổi sang “điện thoại cục gạch” có 4G (dựa trên tỷ lệ trên), giới quan sát e ngại về khả năng cung cấp đủ số lượng máy cần thiết từ các đại lý lớn. Trên website của nhiều đơn vị hiện nay, điện thoại phổ thông có 4G có nhiều mẫu rơi vào tình trạng “Hết hàng” hoặc chỉ bán trực tiếp, không bán trực tuyến.

Anh Quốc Trung (Đà Nẵng) cho biết vừa mua một chiếc điện thoại “cục gạch” Nokia có hỗ trợ 4G cho mẹ, chỉ ít ngày sau quay lại hệ thống phân phối đã trong tình trạng “Tạm hết hàng”. “May mắn là mua được một cái để thay cho mẹ mình. Khi có người hỏi, tôi định giới thiệu cho người quen nhưng vào website của bên bán thì đã hết hàng”, anh Trung cho biết. Ngoài model đã mua, một số sản phẩm khác vẫn còn hàng ở thời điểm anh tham khảo thì nay cũng đã không thể mua thêm.

Các mẫu điện thoại 2G Only sẽ dừng kết nối tại Việt Nam từ giữa tháng 9 năm nay
Các mẫu điện thoại 2G Only sẽ dừng kết nối tại Việt Nam từ giữa tháng 9 năm nay

Ông Trương Minh Hoàng – Giám đốc phát triển kinh doanh dịch vụ, hệ thống Thế giới Di động chia sẻ trong một cuộc họp diễn ra tháng 7.2024 tại Hà Nội rằng số điện thoại cơ bản chiếm 10 – 15% trên tổng số hơn 500.000 máy bán ra mỗi tháng của đơn vị, tương đương 70.000 sản phẩm.

“Điều này cho thấy xu hướng sử dụng điện thoại cơ bản, có phím bấm và hỗ trợ 4G của người dân là rất lớn. Nếu yêu cầu số lượng lớn hơn và trong thời gian ngắn, nhà bán lẻ không thể đáp ứng”, lãnh đạo đơn vị chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh cần có lộ trình chuyển đổi phù hợp.

Còn đại diện Hoàng Hà Mobile đánh giá các mẫu máy 4G giá rẻ có thể rơi vào tình trạng hết hàng và có thể phải đến tháng 11 mới về đủ lượng máy để phục vụ cho các thuê bao cần chuyển đổi.

Tại các hệ thống bán lẻ di động lớn hiện nay như Thế giới Di động, FPT Shop, CellphoneS, Viettel Store, Di Động Việt, Hoàng Hà Mobile… đều đang có chương trình hỗ trợ người dùng chuyển đổi từ điện thoại 2G Only sang các model có 4G, bao gồm cả điện thoại cơ bản lẫn smartphone. Ngoài ưu đãi khi thu cũ đổi mới, các hệ thống đều có chương trình trợ giá, trừ trực tiếp vào giá trị máy mới để người dùng có thể tiếp cận với các sản phẩm điện thoại chính hãng với chi phí hợp túi tiền hơn.

Nguồn: thanhnien.vn

Tốc độ Internet Việt Nam liên tục tăng

Tốc độ Internet băng rộng cố định tại Việt Nam tăng 15 bậc sau năm tháng, hiện đứng thứ 32 thế giới.

Theo thống kê của Ookla Speedtest, tốc độ Internet cố định tại Việt Nam tháng 7 đạt 146,79 Mbps chiều tải xuống và 127,56 Mbps tải lên, đưa thứ hạng của Việt Nam từ thứ 37 của tháng trước đó lên thứ 32.

Đây cũng là tháng thứ năm liên tiếp tốc độ băng rộng cố định tại Việt Nam tăng về cả về kết quả và xếp hạng. Hồi tháng 2, tốc độ đo tại Việt Nam đạt 107 Mbps, sau đó duy trì chuỗi tăng đến nay.

Trong khi đó, Internet băng rộng di động cũng chứng kiến việc tăng về tốc độ và xếp hạng qua bốn tháng. Ở kết quả đo tháng 7, chỉ số này đạt 55,41 Mbps đường tải về, 20,58 Mbps đường tải lên, xếp 44 toàn cầu.

Trả lời VnExpress, đại diện Ookla cho biết việc cải thiện tốc độ thể hiện sự tăng cường đầu tư về cơ sở hạ tầng của nhà mạng trong nước. Ngoài ra, với băng rộng di động, việc đấu giá thành công băng tần 5G tại Việt Nam là chất xúc tác thúc đẩy tốc độ Internet trung bình tăng lên, khi các nhà mạng mở rộng triển khai thử nghiệm 5G và người dùng ở một số khu vực có thể trải nghiệm công nghệ mới.

“Tiến trình này mở ra kết quả tích cực trong tương lai, hứa hẹn kết nối và trải nghiệm của người dùng di động tại Việt Nam tốt hơn”, chuyên gia Ookla nói.

Trong khi đó trên thế giới, UAE là quốc gia có tốc độ Internet cao nhất ở cả hạng mục di động 359,85 Mbps và cố định 291,85 Mbps.

Thống kê của Ookla về tốc độ Internet Việt Nam ở hạng mục di động (trái) và cố định, đều liên tục tăng trong thời gian qua. Ảnh chụp màn hình
Thống kê của Ookla về tốc độ Internet Việt Nam ở hạng mục di động (trái) và cố định, liên tục tăng thời gian qua. Ảnh chụp màn hình

Việc tăng về tốc độ Internet theo thống kê của Ookla tương đồng với kết quả của hệ thống iSpeed của Bộ Thông tin và Truyền thông ở hạng mục di động, với tốc độ tải xuống trung bình khoảng 54 Mbps. Trong khi với Internet cố định, công cụ của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy tốc độ trung bình khoảng 100 Mbps.

Thời gian qua, các cơ quan quản lý đưa ra nhiều biện pháp thúc đẩy chất lượng Internet Việt Nam. Ngoài việc công bố quy hoạch Hạ tầng Thông tin và Truyền thông đến năm 2030, trong đó có nhiệm vụ quan trọng như tăng số cáp quang biển, phổ cập 5G, Bộ Thông tin và Truyền thông hàng tháng cũng công khai chất lượng Internet theo từng nhà mạng, chi tiết đến cấp xã phường. Ứng dụng iSpeed trên Android cũng bổ sung tính năng tự động đo nhằm tăng số lượng mẫu để cho kết quả chính xác hơn.

Theo iSpeed vào tháng 7, ở hạng mục Internet băng rộng cố định, Bình Dương là địa phương có tốc độ Internet cao nhất, đạt 113,48 Mbps, trong khi Viettel là nhà mạng có tốc độ trung bình cao nhất, đạt 128,97 Mbps. Ở hạng mục băng rộng di động, thứ hạng này thuộc về Quảng Ngãi 84,97 Mbps và Viettel 65,89 Mbps.

Tại hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết tỷ lệ người sử dụng Internet tại Việt Nam ước đạt 78,1%. Số thuê bao băng rộng di động tăng 7,6% so với cùng kỳ 2023, đạt trung bình 91,9 thuê bao trên 100 dân. Đây cũng là lần đầu tỷ lệ này trên 90%, vượt mục tiêu 87,5% của Bộ trong 2024.

Nguồn: vnexpress.net